Dịch thì thầm là một trong những hình thức dịch đồng thời. Tuy nhiên, so với cabin, mức độ trang trọng kém hơn và ít áp lực hơn. Dịch thì thầm được dùng khi bạn chỉ cần dịch cho 1 người hoặc 1 nhóm nhỏ.
Phiên dịch sẽ ngồi gần (thường là phía sau) khách hàng để không ảnh hưởng tới sự kiện chung nhưng thông tin vẫn có thể truyền đạt được cho đối tượng cần phiên dịch.
Phiên dịch chính cô Nguyễn Thị Diễm Hà
Ưu điểm của dịch thì thầm so với cabin là ngôn ngữ và cách thức truyền tải có thể thoải mái hơn, như một cuộc trò chuyện. Đối tượng cần phiên dịch có thể hỏi lại những điều chưa nghe rõ. Diễn giả ý thức rõ hơn về sự hiện diện của phiên dịch và việc chuyển ngữ đang diễn ra, nên một cách vô thức sẽ nói chậm hơn, và có ý chờ cho phiên dịch dịch xong, một số thời điểm không khác dịch đuổi là mấy. Một vài thông tin quan trọng nếu cảm thấy cần thiết, phiên dịch vẫn có thể yêu cầu diễn giả nhắc lại.
Tuy là thì thầm, nhưng âm lượng cần đủ to để đối tượng nghe được, nên cơ bản diễn giả vẫn nghe được tiếng phiên dịch. Đây là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm. Có thể đi lại tương đối thoải mái để tới gần diễn giả hơn nghe cho rõ và nhìn khẩu hình miệng.
Nhược điểm
Như đã nói ở trên, gọi là thì thầm tức là âm lượng cố gắng nhỏ nhất có thể để không ảnh hưởng đến diễn giả và những người xung quanh nhưng lại phải đủ to để đối tượng cần phiên dịch nghe được. Trong sự kiện này mình có 4 khách, nên cũng phải nói tương đối to. Khi có những hoạt động mà nhóm khách hàng phải tách nhau ra, việc dịch thì thầm đồng thời phải chuyển sang dịch đuổi hoặc phải dùng mic nói đồng thời.
Một vài lưu ý cho phiên dịch viên thì thầm
- Làm quen với khách hàng trước: Để làm quen với giọng (accent). Khách của mình lần này là người Đức.
- Hỏi khách hàng: Xem mình đã nói đủ to, đủ rõ, đủ chậm hay chưa. Để ý trình độ tiếng Anh của khách để xem mình có cần phải đơn giản hoá cách nói của mình cho dễ hiểu không.
- Thống nhất quy ước: Xin lỗi về việc mình sẽ không có trao đổi bằng mắt vì cần tập trung vào diễn giả, quy ước ký hiệu khi không hiểu. Lần này mình có trợ lý là Như Chan Tran, nên với những phần không rõ có thể hỏi lại Như nếu không muốn ngắt lời, hoặc có thể hỏi mình trong những khoảng lặng.
Nhiệm vụ của trợ lý
- Ghi chép nội dung: Trong trường hợp phiên dịch bị lỡ thông tin, có thể xem nội dung ghi chép hoặc nhắc thoại cho phiên dịch.
- Hỗ trợ nhắc lại: Làm rõ thông tin khi khách hàng có thắc mắc mà phiên dịch chính còn đang bận dịch.
- Chuẩn bị công cụ: Dịch và tra cứu để nhắc những từ mà phiên dịch chính đang mắc.
Trợ lý phiên dịch Trần Chân Như (bên trái)
Kết luận
Dịch thì thầm, mặc dù có những thách thức riêng, vẫn là một phương pháp hiệu quả trong nhiều tình huống giao tiếp. Sự linh hoạt, gần gũi và khả năng tương tác giữa phiên dịch viên và người nghe tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin. Để thực hiện nhiệm vụ này thành công, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng thích ứng là rất quan trọng.